Ngôn ngữ & khu vực

Đại dịch do virus Corona (SARS-nCoV-2) mới


Vi rút Corona mới là tên gọi tiếng Việt cho một loại vi rút đang gây đại dịch hiện nay (tiếng Anh: Novel coronavirus), được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ký hiệu là 2019-nCoV (sau đó đổi tên thành Covid-19’) còn được gọi là virus corona hoặc coronavirus Vũ Hán

Vi rút Corona mới là tên gọi tiếng Việt cho một loại vi rút đang gây đại dịch hiện nay (tiếng Anh: Novel coronavirus), được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ký hiệu là 2019-nCoV (sau đó đổi tên thành Covid-19’) còn được gọi là virus corona hoặc coronavirus Vũ Hán, viêm phổi Vũ Hán, virus viêm phổi chợ Hoa Nam Vũ Hán, vì nguyên do trường hợp bệnh viêm phổi gây ra bởi virus ở Vũ Hán, bắt đầu xuất hiện và lây lan từ cuối năm 2019. Virus này  gây ra đại dịch tại Trung Quốc và toàn thế giới từ tháng 12 năm 2019 tới nay, bắt đầu từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ủy ban Sức khoẻ Vệ sinh Nhà nước Trung Quốc nhận định đây là bệnh truyền nhiễm loại B, chiếu theo quản lí loại A [1].

1. Khởi phát

Lúc đầu, người ta thấy nhiều trường hợp “viêm phổi không rõ nguyên nhân” tập trung quanh một chợ bán động vật và cá ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm 2019. Trong khu chợ này có khoảng 1000 quầy bán gà, mèo, gà lôi, dơi, marmota, rắn độc, hươu đốm, các bộ phận của thỏ và nhiều loài động vật hoang dã khác, do đó đã dẫn đến sự nghi ngờ rằng nguyên nhân gây bệnh có thể là một loại coronavirus mới được bắt nguồn từ động vật [2]. Vào ngày 12 tháng 01 năm 2020, nó được WHO đặt tên 2019-nCoV, sau đó đổi tên là Covid-19’.

2. Cấu trúc và phân loại của Covid-19’

Virus mới này là một loại virus corona ARN liên kết đơn chính nghĩa. Các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện virus này sau khi tiến hành đo lường kiểm tra axít nuclêíc và dò tra trình tự bộ gen ở mẫu vật tiêu bản của người bệnh dương tính với viêm phổi (hình 1).

 Mô phỏng một virion của 2019-nCoV

Hình 1. Mô phỏng một virion của 2019-nCoV

Virus Corona có nhiều chủng. Chủng đã biết gây ra cảm mạo cùng với các bệnh tật khá nghiêm trọng như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Virus Corona kiểu mới là phân dạng virus của virus corona mà từ trước tới nay chưa bao giờ phát hiện ở trong cơ thể người.Động vật được bán để làm thức ăn bị nghi ngờ là nơi chứa hoặc trung gian cho virus vì nhiều người nhiễm bệnh đầu tiên được xác định là công nhân tại Chợ hải sản Huanan, họ tiếp xúc nhiều hơn với động vật. Một chợ bán động vật sống để làm thức ăn cũng bị đổ lỗi trong Dịch SARS vào năm 2003; những nơi như vậy được coi là một “vườn ươm” hoàn hảo cho mầm bệnh mới.

Người ta đã phân loại virus này như như trong hình 2.

Phân loại virus

Hình 2. Phân loại virus

trong dịch SARS vào năm 2003; những nơi như vậy được coi là một “vườn ươm” hoàn hảo cho mầm bệnh. Cũng có tác giả cho rằng loại dơi hoang dã và tê tê hoang dã là nơi chứa virus này và cũng là động vật truyền bệnh.

Trình tự gen virus Corona Vũ Hán giống với virus Corona được phát hiện trong dơi, nhưng không giống với virus Corona khác ví dụ virus corona gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Virus Corona Vũ Hán và virus Corona SARS cùng thuộc virus Corona thế hệ B (Betacoronavirus Lineage B, Sarbecovirus). Năm bộ gen của virus Corona Vũ Hán đã được nhanh chóng rút chiết ra, và được Trung tâm lâm sàng vệ sinh công cộng thành phố Thượng Hải, Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, Trung tâm kiểm soát dự phòng bệnh tật thành phố Vũ Hán, Sở Kiểm soát dự phòng bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm kiểm soát dự phòng bệnh tật Trung Quốc và Đại học Sydney tuyên bố ở trên trạm mạng Virological. Chiều dài trình tự ARN của nó khoảng chừng là 30.000 nuclêôtít [1].

3. Về dịch tễ học của bệnh

Bùng phát dịch bệnh do Covid-19’ đã được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, vào giữa tháng 12 năm 2019. Sau đó, virus này đã lan sang các tỉnh khác của Trung Quốc đại lục và các quốc gia khác, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Hoa Kỳ và Việt Nam…Sự lây lan từ người sang người đã được xác nhận tại Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 20 tháng 1 năm 2020. Một kịch bản đáng sợ đang bắt đầu xuất hiện: Một công dân Anh chưa từng đặt chân đến Trung Quốc, bị nhiễm virus tại Singapore, sau đó đã truyền virus sang cho nhiều đồng hương, trong thời gian ở vùng Alpes (Pháp) trước khi được xác định là mắc bệnh. Công dân Anh nói trên đã vô tình làm lây nhiễm virus cho ít nhất 11 người khác, trong đó có 5 người đang được điều trị tại Pháp, 5 người khác tại Anh và 1 tại Tây Ban Nha [3]. Tính đến chiều ngày 12/2/2020, Trung Quốc đại lục ghi nhận 1.113 người tử vong vì Covid-19’, 44.653 ca nhiễm và 4.730 người khỏi bệnh. Trên phạm vi toàn cầu, số người nhiễm virus là 45.168 và 1.115 người chết, có khoảng 7.345 người trong tình trạng nguy kịch và dịch này đã lan sang khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới (bảng 1) [4].

Cập nhật số ca nhiễm, tử vong và khỏi

Bảng 1. Cập nhật số ca nhiễm, tử vong và khỏi

Tại Việt Nam, tính đến 12-2-2020 đã có 15 ca nhiễm Covid-19’, ca mới nhất là cháu bé ba tháng tuổi tại Vĩnh Phúc, nhưng lại có 6 người nhiễm virus này đã khỏi bệnh. Các tỉnh, thành phố đã có ca mắc là Vĩnh Phúc (10), TP Hồ Chí Minh (3), Khánh Hòa (1), Thanh Hóa (1) [5, 6].

4. Đường lây lan của Covid-19’:

Virus này xuất hiện từ động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây khi ta chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt của mình. Những người chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19’ cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh…[7]. Giả thuyết về virus này lây qua đường phân chưa được xác nhận.

Thời gian lây nhiễm: Virus có thể lây trong thời kì đang ủ bệnh (14 ngày kể từ khi bị nhiễm) và lúc bệnh bùng phát cho đến khi hết bệnh (sau 03 ngày). Vì vậy tránh tiếp xúc và cách ly người ở vùng dịch về trong vòng 14 ngày là cần thiết, đồng thời đối với người khỏi bệnh cũng cần tránh tiếp xúc trong vòng 03 ngày.

5. Triệu chứng nhiễm Covid-19’:

Người bệnh mắc Covid-19’ từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu chứng cảm sốt như: Sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Dấu hiệu cận lâm sàng quan trọng là có hình ảnh viêm phổi trên phim Xquang, đặc biệt được khẳng định bằng xét nghiệm Real time RT – PCR dương tính với Covid-19’, với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp [7]. Xin xem chi tiết tại Quyết định số: 125/QĐ-BYT, ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Bộ Y tế [8].

6. Điều trị bệnh do 2019-nCoV gây ra:

Nguyên tắc điều trị:

– Các ca bệnh nghi ngờ, có thể đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu cho chẩn đoán xác định bệnh.

– Ca bệnh xác định cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn.

– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có) [8].

– Khi có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, mệt mỏi…cần đến cơ sở y tế ngay, càng sớm càng tốt.

7. Dự phòng:

Chúng ta bàn về hai cấp dự phòng Covid-19’, cấp quốc gia (vĩ mô) và cấp cá nhân (vi mô). Mỗi cấp này lại đề cập đến hai loại dự phòng: Y học và xã hội:

-Dự phòng y học là dùng các biện pháp hay kĩ thuật Y học để dự phòng, ví dụ như tiêm vắc-xin, khử trùng các dụng cụ y tế bằng thuốc hay hóa chất…

-Dự phòng xã hội là dùng các biện pháp xã hội để dự phòng như tuyên truyền cách phòng bệnh qua đài, báo, TV…ban hành quy định về hạn chế tụ họp đông người…

7.1. Dự phòng cấp quốc gia, cộng đồng (vĩ mô).

Đây là biện pháp tối quan trọng, nhằm bảo vệ cả một quốc gia hay công đồng rộng lớn tránh khỏi dịch Covid-19’.

  • Thành lập mạng lưới phòng, chống dịch từ trung ương tới địa phương, theo dõi diễn biến của dịch bệnh sát sao trong nước cũng như trên thế giới. Phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra các chỉ đạo và biện pháp phòng, chống dịch đúng đắn, kịp thời.
  • Hạn chế đi lại: Hủy bỏ các chuyến bay, các tour du lịch, đóng cửa biên giới…Chỉ đạo các địa phương hạn chế hội, họp, gặp mặt…
  • Kiểm dịch chặt chẽ tại các cửa khẩu, nơi đi lại: Đo thân nhiệt, khai báo y tế…
  • Phun thuốc tẩy trùng, khử virus đối với người và các phương tiện đi lại và hàng hóa, vật dụng lưu thông.
  • Tổ chức cách ly đúng thời gian và kĩ thuật quy định đối với người nghi ngờ bị nhiễm Covid-19’ hay người từ vùng dịch về.
  • Ngành Y tế: Xây dựng các phương án đối phó với các tình trạng và quy mô khác nhau của dịch (cả về điều trị và dự phòng).
  • Các ban, ngành, đoàn thể và Chính phủ cần chủ động phối hợp trong mọi hoạt động chống dịch.
  • Tuyên truyền cho quảng đại quần chúng biết về dịch bệnh do Covid-19’ gây ra và các biện pháp dự phòng, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và cá nhân trong việc thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch.
  • Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, bán, tiếp xúc với động vật, nhất là động vật hoang dã.
  • Kiểm tra, giám sát chặt các biện pháp dự phòng trong toàn quốc.
  • Hiện nay trên thế giới chưa nghiên cứu thành công vắc-xin phòng Covid-19’, nên các biện pháp đề xuất trên là rất quan trọng và thiết yếu để phòng dịch bệnh.

7.2. Dự phòng cá nhân: Mỗi cá nhân cần phải:

  • Về nhận thức: Tìm hiểu kĩ về đặc điểm, lây truyền và cách phòng tránh bệnh dịch do Covid-19’ gây ra trên báo, đài, TV, các mạng xã hội khác…Cập nhật thường xuyên thông tin về chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ và cơ quan Y tế.
  • Về tinh thần: Không quá hoang mang, sợ hãi dịch bệnh do Covid-19’ gây ra nhưng cũng không được chủ quan, coi thường.
  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người, hủy bỏ các cuộc gặp mặt không cần thiết.
  • Dùng khẩu trang thông thường khi tiếp xúc với người khác, nếu tiếp xúc với người nghi ngờ bị nhiễm Covid-19’ thì cần mang khẩu trang y tế theo quy định.
  • Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch- xà phòng hay dung dịch sát trùng thông thường.
  • Che miệng khi hắt hơi hay khi ho, tốt nhất dùng khăn giấy che và sau đó bỏ vào bổ rác.
  • Giữ gìn nhà cửa, nơi làm việc… thật thoáng đãng, sạch sẽ.
  • Nâng cao thể trạng bằng ăn uống tốt, đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục và thể thao hàng ngày đều đặn. Không nên ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi sống…
  • Không khạc nhổ bừa bãi ở nơi công cộng.
  • Không tiếp xúc với các động vật hoang dã.
  • Giữ ấm cơ thể, súc miệng bằng nước sát khuẩn thường xuyên.
  • Uống đủ nước hàng ngày. Không nên để cổ họng bị khô.
  • Nếu thấy có biểu hiện viêm nhiễm họng hầu, đường hô hấp (ho, sốt, hắt hơi, mệt mỏi…) phải đến cơ quan Y tế để thăm khám ngay.
  • Tích cực tuyên truyền cho người khác các hiểu biết tối thiểu về bệnh dịch do Covid-19’ gây ra và các biện pháp phòng, chống [9].
Trích dẫn & thuật ngữ:

1. Wikipedia, Coronavirus mới (2019-nCoV)https://vi.wikipedia.org/wiki/Coronavirus_m%E1%BB%9Bi_(2019-nCoV), cập nhật 12-2-2020.

2. Wikipedia, Dịch virus corona ở Vũ Hán 2019–20 (đổi hướng từ Bùng phát virus corona Vũ Hán 2019–20), https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%8Bch_virus_corona_%E1%BB%9F_V%C5%A9_H%C3%A1n_2019%E2%80%9320, cập nhật 11-2-2020.

3. RFI (12-2-2020) Virus corona: Hơn 1.000 người chết tại Trung Quốc, WHO lo ngại dịch bùng phát mạnh ở bên ngoàihttp://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200211-virus-corona-h%C6%A1n-1000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c-who-lo-ng%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-b%C3%B9ng-ph%C3%A1t-m%E1%BA%A1nh-%E1%BB%9F-b%C3%AA, cập nhật 12-2-2020.

4. Đăng Nguyễn (12-2-2020) Virus Corona: 1.100 người chết ở Trung Quốc, số ca nhiễm mới giảm mạnhhttps://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/virus-corona-1100-nguoi-nguoi-chet-o-trung-quoc-so-ca-nhiem-moi-giam-manh-c415a1123507.html, cập nhật 12-2-2020.

5. Sơn Hà (12-2-2020) Số người nhiễm nCoV tại Việt Namhttps://soha.vn/big-story/dien-bien-dich-ncov-ngay-11-2-viet-nam-da-loai-tru-723-ca-nghi-nhiem-20200211072905939.htm, cập nhật 12-2-2020.

6. Bộ Y tế- Trung Tâm Khẩn Cấp Đáp Ứng Sự KiệnY tế Công Cộng  Việt Nam (PHEOC) (12-2-2020) Virus nCoV– Cập nhật mới nhất, media.zalo.me

7. 24h (31-1-2020) Bộ Y tế lên Zalo giải đáp 10 câu hỏi về virus Corona, từ định nghĩa đến triệu chứng, https://www.24h.com.vn/cong-nghe-thong-tin/bo-y-te-len-zalo-giai-dap-10-cau-hoi-ve-virus-corona-tu-dinh-nghia-den-trieu-chung-c55a1120379.html, cập nhật 12-2-2020.

8. Bộ Y tế (2020) Ban hành hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV), Quyết định số: 125/QĐ-BYT, ngày 16 tháng 01 năm 2020.

9. Thảo Ly (2020) Ăn thực phẩm chín và loạt biện pháp phòng tránh virus corona, Zing.vn, https://news.zing.vn/an-thuc-pham-chin-va-loat-bien-phap-phong-tranh-virus-corona-post1040012.html, cập nhật 12-2-2020.